Kết nối sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngày đăng: 21:26 PM, 23/02/2023 - Lượt xem: 173

Lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh với quy mô thị trường có thể đạt tới 180 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, để có được thị phần là chuyện không dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm.

Lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh với quy mô thị trường có thể đạt tới 180 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, để có được thị phần là chuyện không dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm.

Vì vậy, việc kết nối sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào siêu thị và các kênh phân phối cũng là chủ đề chính được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 18/11, tại Hà Nội nhằm tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009 đã đạt kết quả ấn tượng sau 12 năm triển khai thực hiện. Là một trong những đơn vị nòng cốt trong việc triển khai Cuộc vận động, trong hơn 10 năm qua, Bộ Công Thương đã luôn đồng hành với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ưu tiên dùng hàng Việt Nam và tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao thông qua các kênh phân phối bán lẻ trong và ngoài nước. Trong đó, kết nối cung cầu hàng hóa là một trong các giải pháp quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công của Cuộc vận động.

Thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa từ Trung ương đến địa phương, từ cấp vùng miền, quốc gia đến cơ sở, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, lên đến 90% tại các siêu thị trong nước và trên 70% tại các siêu thị của các doanh nghiệp FDI.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016 – 2020, làn sóng khởi nghiệp tại nước ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, tuy còn mới mẻ, nhưng không ít tiềm năng, bởi đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Những dự án trong lĩnh vực thực phẩm đã góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng. Đồng thời, góp phần cung cấp nguồn cung dồi dào cho các kênh phân phối. Đã có nhiều startup thành công, đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm an toàn, có chất lượng, bước đầu nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và thâm nhập được vào hệ thống phân phối hiện đại như: MM Mega Market, Lotte, Vinmart, Coopmart…

Tuy nhiên, “thực tế cho thấy, việc tham gia vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại là việc không dễ dàng do các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã” – Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng nhận định: lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh với quy mô thị trường có thể đạt tới 180 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Cùng với đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay có thể đưa hàng hóa vào siêu thị và các kênh phân phối chủ yếu ở doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm.Tuy nhiên, để có được thị phần là chuyện không dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm muốn tìm một chỗ đứng trong kênh bán lẻ hiện đại – siêu thị.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng kỳ vọng, hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam giao lưu, học hỏi, tiếp cận và kết nối, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước. Qua đó, có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Theo Sở hữu trí tuệ